Lý Thuyết Lịch Sử 12 Cánh Diều_Bài 7 Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Lý Thuyết Lịch Sử 12 Cánh Diều
Bài 7 Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)




1. Bối cảnh lịch sử

- Thế giới:

+ Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc đang phát triển mạnh.

+ Phong trào đấu tranh vì hoà bình, dân chủ phát triển ở các nước tư bản.

+ Sự hình thành Trật tự thế giới hai cực I-an-ta và tình trạng Chiến tranh lạnh cũng tác động đến Việt Nam.

- Trong nước: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời đã bị các nước đế quốc liên kết với các thế lực thù địch chống phá.

2. Diễn biến chính

a) Kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ (1945)

* Bối cảnh lịch sử

- Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh ăn mừng “Ngày Độc lập”, thực dân Pháp xả súng bắn vào dân chúng làm 47 người chết và nhiều người bị thương.

- Từ ngày 23-9-1945, quân Pháp đánh úp trụ sở Uỷ ban hành chính Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

* Diễn biến

- Ngày 23-9-1945, Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập.

- Quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với quân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên kháng chiến chống Pháp như tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, đốt cháy tàu chiến Pháp, đánh phá kho tàng, phá nhà giam…

+ Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn thực hiện triệt để chủ trương bất hợp tác với giặc, dựng chướng ngại vật và chiến lũy trên đường phố. Quân Pháp trong thành phố bị bao vây và luôn bị tấn công.

- Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam.

+ Các đoàn quân “Nam Tiến” được thành lập, thu hút hàng vạn người tham gia.

+ Miền Bắc và miền Trung trở thành hậu phương chi viện sức người sức của cho miền Nam.

* Ý nghĩa

- Cuộc chiến đấu ở Nam Bộ đã giáng đòn đầu tiên vào kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp.

- Tạo điều kiện để cả nước chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

b) Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1950)

* Bối cảnh lịch sử

- Ngày 28-02-1946, Pháp và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kí Hiệp ước Hoa - Pháp.

- Ngày 06-03-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ với nội dung:

+ Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có Chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng và là thành viên của Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp.

+ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng ý cho 15 000 quân Pháp ra Bắc thay quân Trung Hoa Dân Quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, số quân này sẽ đóng tại những địa điểm quy định và rút dần trong 5 năm.

+ Hai bên ngừng mọi xung đột ở phía Nam, giữ nguyên quân đội tại vị trí cũ, tạo không khí thuận lợi cho cuộc đàm phán chính thức.

- Ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát thủ đô cho quân Pháp.

- Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nội dung của đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

* Diễn biến chính

 Diễn biếnKết quảÝ nghĩa
Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía bắc vĩ tuyến 16 

- Diễn ra ở các đô thị như: Hà Nội, Nam Định, Vinh,…

- Tiêu biểu nhất: Hà Nội 60 ngày đêm.

+ Trung đoàn thủ đô: Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.

+ Bắc Bộ phủ, chợ Đồng Xuân, nhà Bưu điện.

- Giam chân Pháp trong gần 2 tháng, tạo điều kiện để cơ quan đầu não rút lui an toàn khỏi Hà Nội.

- Bước đầu làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.

- Tạo điều kiện cho ta chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài.

Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947

- Tại Bắc Kạn: chợ Đồn, chợ Mới, chợ Rã...

- Tại mặt trận phía Đông (trên đường số 4).

- Tại mặt trận phía tây, trên sông Lô: Đoan Hùng, Khe Lau.

- Đại bộ phận quân Pháp phải rút khỏi Việt Bắc.

- Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo vệ an toàn.

- Bộ đội ta thu được nhiều vũ khí và ngày càng trưởng thành.

- Chiến dịch phản công lớn đầu tiên của ta.

- Đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài.

Chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950

- Địa điểm: khu biên giới Việt - Trung.

- Quân đội Việt Nam tấn công cứ điểm Đông Khê, mai phục, chặn đánh địch ở nhiều nơi trên Đường số 4.

- Khai thông biên giới Việt - Trung, mở đường liên lạc quốc tế, bảo vệ được căn cứ địa Việt Bắc.

- Chọc thủng Hành lang Đông - Tây, làm phá sản Kế hoạch Rơ-ve của Pháp.

- Chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam.

- Quân đội giành quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.


c) Bước phát triển mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951 - 1953)

* Chính trị

- Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai.

- Ngày 3-3-1951, Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) ra đời trên cơ sở hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt.

- Ngày 11-3-1951, Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào được thành lập.

* Kinh tế

- Năm 1952, cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm được phát động. Các phong trào Thi đua yêu nước được phát động, đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc,…

- Các ngành kinh tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cuộc kháng chiến và đời sống nhân dân.

+ Thủ công nghiệp và công nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và một phần nhu cầu về vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho bộ đội.

+ Nông nghiệp có bước phát triển: năm 1953, vùng tự do và vùng căn cứ du kích từ Liên khu IV trở ra sản xuất được 2,7 triệu tấn thóc; thực hiện 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất.

- Tháng 12-1953, Quốc hội thông qua Luật Cải cách ruộng đất và quyết định tiến hành cải cách ruộng đất ở vùng tự do.

* Văn hoá - giáo dục

- Tiếp tục phong trào bình dân học vụ, cải cách giáo dục, bổ túc văn hoá.

- Phương châm: phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.

- Xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ mê tín dị đoan,…

- Y tế: đẩy mạnh vệ sinh phòng dịch, thực hiện đời sống mới,…

* Quân sự

- Ngày 6-12-1950, Pháp đề ra Kế hoạch Đờ Lát đơ Tát-xi-nhi với nội dung:

+ Xây dựng lực lượng quân cơ động chiến lược mạnh.

+ Xây dựng phòng tuyến boong ke (công sự xi măng cốt thép), lập vành đai trắng.

+ Tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm.

+ Đánh phá hậu phương của ta.

→ Kế hoạch Đờ Lát đơ Tát-xi-nhi đã đưa cuộc chiến ở Đông Dương lên quy mô lớn và khốc liệt hơn đồng thời gây khó khăn cho ta.

- Quân đội nhân dân Việt Nam chủ động mở chiến dịch tiến công và phản công để giữ vững quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ: các chiến dịch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ (1950-1951); chiến dịch Hoà Bình (1951-1952); chiến dịch Tây Bắc (1952); chiến dịch Thượng Lào (1953);…

d) Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 - 1954)

* Kế hoạch Nava

- Thời gian: 7-5-1953

- Mục tiêu: “Kết thúc chiến tranh trong danh dự” trong 18 tháng.

- Nội dung: kế hoạch chia làm hai bước

+ Thu - Đông 1953 và xuân 1954: giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền trung và nam Đông Dương.

+ Thu - Đông 1954: tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quyết định về quân sự buộc ta phải đàm phán theo các điều kiện có lợi cho chúng.

- Quá trình thực hiện: tập trung lực lượng cơ động mạnh ở Bắc Bộ (44/84 tiểu đoàn), mở cuộc tiến công lớn tạo “quả đấm thép” để tiêu diệt quân chủ lực ta.

* Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954

- Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra kế hoạch tác chiến trong Đông-Xuân 1953-1954.

+ Nhiệm vụ: tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai.

+ Phương hướng: chủ động mở những cuộc tiến công vào các hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, buộc địch phải tán lực lượng.

+ Phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

- Diễn biến chính:

+ Bộ đội chủ lực mở một loạt chiến dịch tấn công quân Pháp ở Lai Châu, Trung Lào, Thượng Lào, Bắc Tây Nguyên,…

+ Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng quân Pháp.

- Kết quả - ý nghĩa:

+ Hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Đảng.

+ Giành quyền chủ động chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

+ Bước đầu làm phá sản kế hoạch Nava của Pháp.

d) Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 - 1954)

* Chiến dịch Điện Biên Phủ

- Chủ trương của ta: tháng 12-1953 Đảng quyết địch mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

 Mục tiêu:

+ Tiêu diệt lực lượng địch.

+ Giải phóng vùng Tây Bắc.

+ Tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

- Phương châm: đánh chắc, tiến chắc.

- Khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng ”.

- Diễn biến:

+ Đợt 1: (13 -> 17-3-1954) ta tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu phía Bắc, diệt gần 2 000 địch.

+ Đợt 2: (30-3 -> 26-4-1954) ta tấn công phía Đông phân khu trung tâm, chiếm phần lớn căn cứ của địch, tạo thêm điều kiện để bao vây, chia cắt, khống chế địch.

+ Đợt 3: (1 -> 7-5-1954) quân ta đồng loạt tấn công phân khu trung tâm và phân khu phía nam, tiêu diệt các căn cứ đề kháng còn lại. 17h 30’ ngày 7-5-1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thất thủ.

- Kết quả: loại khỏi vòng chiến 16 200 địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh.

- Ý nghĩa:

+ Đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava.

+ Giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Pháp và can thiệp Mỹ.

+ Làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi.

3. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

a) Nguyên nhân thắng lợi

* Nguyên nhân chủ quan

- Sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn, được vận dụng linh hoạt, sáng tạo.

- Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

- Hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước và mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố, mở rộng; lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh; hậu phương rộng lớn, vững chắc về mọi mặt.

* Nguyên nhân khách quan

- Sự đoàn kết chiến đấu của liên minh nhân dân ba nước Đông Dương.

- Sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô.

- Sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

b) Ý nghĩa lịch sử

* Đối với dân tộc

- Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị của Pháp trong gần một thế kỉ ở Việt Nam.

- Miền Bắc được giải phóng - tiến lên giai đoạn cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.

* Đối với thế giới

- Giáng một đòn nặng nề vào âm mưu nô dịch, tham vọng xâm lược của Chủ nghĩa đế quốc sau chiến tranh thế giới thứ hai.

- Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của Chủ nghĩa đế quốc.

- Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Đọc tiếp:
Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube