Lý Thuyết Lịch Sử 12 Cánh Diều_Bài 8 Cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Lý Thuyết Lịch Sử 12 Cánh Diều
Bài 8. Cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước (1954 - 1975)



I - BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

1. Thế giới

- Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hoà bình, dân chủ phát triển mạnh.

- Chiến tranh lạnh đã tác động rất lớn đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

2. Trong nước

- Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ thay chân Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm (chính quyền Sài Gòn) ở miền Nam Việt Nam với âm mưu:

+ Chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.

+ Ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao ở khu vực.

- Việt Nam bị chia cắt thành hai miền:

+ Miền Bắc: hoàn toàn được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Miền Nam: phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện hoà bình, thống nhất đất nước.

II - CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CHÍNH CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

1. Giai đoạn 1954 - 1960

a) Miền Bắc

- Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh:

+ Miền Bắc tiến hành 6 đợt giảm tô và 4 đợt cải cách ruộng đất.

+ Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đã trở thành hiện thực.

→ Ý nghĩa: xoá bỏ giai cấp địa chủ phong kiến, giai cấp nông dân trở thành người làm chủ nông thôn.

+ Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh được triển khai rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực (nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải,…).

- Cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội:

+ Việc cải tạo quan hệ sản xuất được thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế, khâu chính là hợp tác hoá nông nghiệp.

+ Phát triển thành phần kinh tế quốc doanh là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

→ Ý nghĩa:

- Cơ cấu kinh tế - xã hội miền Bắc thay đổi, tạo cơ sở cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

- Xây dựng miền Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

b) Miền Nam

- Đấu tranh chống Mỹ - chính quyền Ngô Đình Diệm, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng:

+ Đấu tranh chính trị đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; đòi quyền tự do, dân chủ; chống khủng bố, đàn áp.

+ Từ năm 1957, phong trào chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

- Phong trào Đồng khởi (1959 - 1960):

+ Nguyên nhân: Mỹ - Diệm điên cuồng khủng bố, cách mạng miền Nam gặp muôn vàn khó khăn:

  • Năm 1957, Mỹ - Diệm ban hành đạo luật đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
  • Tháng 5 - 1959, Diệm ra Luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam.

→ Mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam với chế độ Mỹ - Diệm ngày càng gay gắt.

+ Chủ trương của Đảng: Tháng 1 - 1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành trung ương Đảng họp, khẳng định: ngoài con đường sử dụng bạo lực cách mạng, nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác. Nghị quyết đã thổi bùng lên phong trào Đồng khởi (1959 - 1960).

+ Diễn biến:

  • Phong trào nổ ra lẻ tẻ ở từng địa phương: Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận), Trà Bồng (Quảng Ngãi).

  • Tiêu biểu là Bến Tre (1 - 1960): nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) nổi dậy giành chính quyền sau đó lan ra toàn huyện Mỏ Cày và toàn tỉnh Bến Tre.

  • Phong trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ, lan ra khắp Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ.

+ Kết quả:

  • Cuối năm 1960, ta đã làm chủ gần nửa số thôn xã ở miền Nam.

  • Ngày 20 - 12 - 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.

+ Ý nghĩa: đánh dấu bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.


2. Giai đoạn 1961 - 1965

a) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (9 - 1960) được tổ chức tại Hà Nội:

- Đại hội đã xác định rõ nhiệm vụ chiến lược của cả hai miền là:

+ Miền Bắc: xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Miền Nam: đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. → Giải phóng miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

- Đại hội xác định vai trò của cách mạng mỗi miền:

+ Miền Bắc: quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng cả nước.

+ Miền Nam: quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

+ Cách mạng hai miền có quan hệ mật thiết, gắn bó.

b) Miền Bắc: kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)

- Nhiệm vụ: xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội:

+ Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, củng cố.

+ Tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh.

+ Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân,…

- Ý nghĩa:

+ Làm thay đổi bộ mặt xã hội miền Bắc.

+ Hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

c) Miền Nam

* Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ

- Khái niệm “Chiến tranh đặc biệt”: là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, được tiến hành bằng lực lượng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mỹ, dựa vào vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ nhằm chống lại phong trào cách mạng của nhân dân ta.

- Âm mưu: “dùng người Việt đánh người Việt”.

- Biện pháp:

+ Kế hoạch Xta-lây Tây-lo bình định miền Nam trong 18 tháng.

+ Mỹ tăng cường viện trợ cho Diệm, đưa vào miền Nam nhiều cố vấn quân sự; trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng phổ biến các chiến thuật mới “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.

+ Lập ấp chiến lược (ấp tân sinh): Quốc sách - xương sống.

* Nhân dân miền Nam chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ

- Chủ trương của Đảng:

+ Nổi dậy và tiến công trên ba vùng chiến lược: rừng núi - nông thôn đồng bằng - đô thị.

+ Sử dụng ba mũi giáp công: chính trị - quân sự - binh vận.

- Mặt trận quân sự:

+ 1963: chiến thắng Ấp Bắc (Mĩ Tho). → Chứng minh khả năng đánh Mỹ, dấy lên phong trào “thi đua Ấp Bắc - giết giặc lập công”.

+ Cuối 1964 - đầu 1965: mở chiến dịch xuân - hè giành thắng lợi ở Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), An Lão (Bình Định), Ba Gia (Quảng Ngãi), Đồng Xoài (Bình Phước). → Từng bước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

- Mặt trận chính trị:

+ Phong trào đấu tranh ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng phát triển mạnh.

+ Các cuộc đấu tranh của học sinh - sinh viên, tín đồ Phật giáo (Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963),….

→ Góp phần đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.

- Mặt trận chống - phá ấp chiến lược:

+ Khẩu hiệu: “một tấc không đi, một li không rời”. → Biến ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu của ta.

+ Đến năm 1965: “Ấp chiến lược” - xương sống của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản về cơ bản.

3. Giai đoạn 1965 - 1968

a) Miền Nam

* Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ

- Hoàn cảnh: thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đề ra chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.

- Khái niệm: “Chiến tranh cục bộ” là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới, được tiến hành bằng lực lượng quân đội Mỹ, quân đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

- Âm mưu: cố giành lại thế chủ động trên chiến trường.

- Thủ đoạn:

+ Mở các cuộc hành quân tìm diệt và bình định. Mở đầu là cuộc hành quân “Ánh sáng sao” vào vùng “đất thánh Việt Cộng”.

+ Mở liên tiếp 2 cuộc phản công chiến lược trong 2 mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967.

+ Mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Lào, Cam-pu-chia.

* Nhân dân miền Nam chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ

- Mặt trận quân sự:

+ Giành thắng lợi mở đầu ở Núi Thành (1965), Vạn Tường (1965).

→ Chứng minh khả năng thắng Mỹ, dấy lên phong trào “tìm Mỹ mà đánh, lùng Nguỵ mà diệt”.

+ Chiến thắng trong hai mùa khô: 1965 - 1966 và 1966 - 1967.

+ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 trọng tâm là các đô thị.

→ Ý nghĩa:

  • Buộc Mỹ phải tuyên bố “phi Mỹ hoá” thừa nhận thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

  • Buộc Mỹ phản tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc.

  • Chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Pari.

- Mặt trận chính trị:

+ Ở thành thị, phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên,… đòi Mỹ rút quân về nước, đòi tự do, dân chủ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

+ Vị thế và uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

- Mặt trận ngoại giao:

+ 1967: đấu tranh ngoại giao được nâng lên thành một mặt trận.

+ 1968: đàm phán chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Mỹ diễn ra ở Pa-ri.

b) Miền Bắc

* Miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại:

- Chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ

+ Hoàn cảnh: cuối năm 1964 - đầu năm 1965, cùng với việc tiến hành “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân.

+ Mục đích:

  • Phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

  • Ngăn chặn sự chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam.

  • Uy hiếp tinh thần và làm lung lay quyết tâm chống Mỹ của nhân dân 2 miền.

+ Hành động:

  • Ngày 5 - 8 - 1964: Mỹ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”.

  • Ngày 7 - 2 - 1965: Mỹ chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (ném bom thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh).

+ Chủ trương của Đảng: thực hiện quân sự hóa toàn dân và huy động toàn dân chống giặc.

+ Kết quả:

  • Trong 4 năm bắn rơi và phá huỷ 3 242 máy bay, bắn chìm 143 tàu chiến của địch.

  • Cuối năm 1968 Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

- Về sản xuất:

+ Dấy lên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi khắp mọi ngành, mọi giới, mọi lứa tuổi.

+ Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân - dân miền Bắc đã lập thành tích to lớn trong sản xuất và chiến đấu.

* Miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn:

- Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.

- Quân - dân miền Bắc chi viện ngày càng lớn sức người sức của cho miền Nam.

4. Giai đoạn 1969 - 1973

a) Miền Nam

* Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ

- Hoàn cảnh: sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”:

+ Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969 - 1973) ở miền Nam.

+ Mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai.

+ Mở rộng chiến tranh sang Lào, Cam-pu-chia.

- Khái niệm: “Việt Nam hoá chiến tranh” là loại hình chiến tranh được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng quân đội Sài Gòn, có sự phối hợp về hoả lực, không quân, hải quân, hậu cần Mỹ và cố vấn Mỹ chỉ huy.

- Âm mưu:

+ Dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương. → Thay màu da trên xác chết.

+ Giảm thiệt hại của Mỹ trên chiến trường.

- Biện pháp:

+ Mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương.

+ Bắt tay với Liên Xô, Trung Quốc. → Cô lập cuộc kháng chiến của ta.

* Nhân dân miền Nam chống chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ

- Mặt trận quân sự:

+ Năm 1970: đánh bại cuộc hành quân xâm lược Cam-pu-chia.

+ Năm 1971: đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Đường 9 - Nam Lào.

+ Năm 1972: chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng thắng lợi.

+ Năm 1972: cuộc Tiến công chiến lược quân Giải phóng chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất của quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

→ Buộc Mỹ tuyên bố “Mỹ hoá” trở lại chiến tranh xâm lược (tức là thừa nhận sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”).

- Mặt trận chính trị:

+ Ngày 6 - 6 - 1969: Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập.

+ Tháng 4 - 1970: Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương họp, biểu thị quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống Mỹ.

- Mặt trận ngoại giao:

+ Ngày 25 - 1 - 1969: đàm phán bốn bên chính thức diễn ra tại Pa-ri.

+ Ngày 27 - 1 - 1973: Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí kết.

b) Miền Bắc

* Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục làm nghĩa vụ hậu phương

- Chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và chiến trường Lào, Cam-pu-chia.

- Trong 3 năm (1969 - 1971), miền Bắc đưa vào miền Nam và Đông Dương hàng chục vạn thanh niên cùng với khối lượng vật chất tăng gấp 1,6 lần so với 3 năm trước.

- Riêng năm 1972 có 22 vạn thanh niên miền Bắc nhập ngũ bổ sung cho lực lượng vũ trang ở chiến trường, khối lượng vật chất tăng 1,7 lần so với năm 1971.

* Chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai

- Thời gian: từ 6 - 4 - 1972 đến 15 - 1 - 1973.

- Mục đích của Mỹ:

+ Phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Ngăn chặn sự chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam.

+ Giảm ý chí chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai miền.

+ Cứu nguy cho “Việt Nam hóa chiến tranh” và tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa - ri.

- Hành động của Mỹ:

+ Ngày 06 - 4 - 1972: Mỹ đã cho không quân và hải quân đánh phá một số nơi thuộc khu IV cũ.

+ Ngày 16 - 4 - 1972: Nich - xơn tuyên bố chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2.

+ Từ 18 đến 29 - 12 - 1972: Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược không quân bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc nước ta.

- Chủ trương của Đảng:

+ Nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến.

+ Chủ động, lập tức chống trả địch ngay từ trận đầu.

- Nhân dân chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai:

+ Mở trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 (từ 18 đến 29 tháng 12 - 1972).

+ Kết quả: bắn rơi 81 máy bay (trong đó 34 B52, 5 F111), đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của chúng.

+ Ý nghĩa: buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động chống phá miền Bắc từ ngày 15 - 01 - 1973 và kí Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27 - 01 - 1973).

5. Giai đoạn 1973 - 1975

a) Miền Bắc

* Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội

- Đến năm 1974: cơ bản khôi phục các cơ sở kinh tế, hệ thống thuỷ nông, mạng lưới giao thông, các công trình văn hoá, giáo dục, y tế.

- Cuối năm 1974:

+ Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trên một số ngành, lĩnh vực đã đạt và vượt mức năm 1964 và năm 1971.

+ Đời sống nhân dân ổn định.

* Chi viện cho miền Nam

- Trong hai năm 1973 - 1974: miền Bắc đã đưa vào chiến trường miền Nam, Lào, Cam-pu-chia gần 20 vạn bộ đội. Đầu năm 1975 tăng thêm vào 57 000 bộ đội.

- Về vật chất - kĩ thuật: miền Bắc tăng cường chi viện, bảo đảm đầy đủ nhu cầu cấp bách cho chiến trường miền Nam.

b) Miền Nam

* Âm mưu của Mỹ - Nguỵ:

- Phía Mỹ:

+ Âm mưu: tiếp tục chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh.

+ Biện pháp: khi rút quân, để lại 2 vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự.

- Phía Nguỵ:

+ Tiếp tục gây chiến nhằm chiếm đất, giành dân với cách mạng.

+ Biện pháp thực hiện: mở các chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”. → Hiệp định Pari bị phá hoại nghiêm trọng.

* Nhân dân miền Nam chiến đấu chống địch bình định, lấn chiếm, tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam:

- Trước khi có Nghị quyết 21: kết quả đấu tranh còn nhiều hạn chế và tổn thất.

- Sau khi có Nghị quyết 21: tháng 7 - 1973 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 21 họp và nhận định:

+ Kẻ thù: Mỹ - Ngụy.

+ Nhiệm vụ: tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

+ Phương pháp: bạo lực cách mạng.

+ Đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.

- Trên mặt trận quân sự: Chiến dịch đường 14 - Phước Long (từ 12 - 12 - 1974 đến 6 - 1 - 1975). → Trận trinh sát Chiến lược.

+ Chính quyền Sài Gòn phản ứng mạnh, đưa quân đến chiếm lại nhưng thất bại.

→ Sự suy yếu và bất lực của quân đội Sài Gòn.

+ Mỹ phản ứng yếu ớt, chủ yếu dùng áp lực đe dọa từ xa. → Khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự rất hạn chế của Mỹ.

+ Sự lớn mạnh và khả năng thắng lớn của quân ta.

* Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ

- Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam:

+ Hoàn cảnh: so sánh lực lượng trên chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho ta.

+ Chủ trương: đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 nhưng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong 1975”.

+ Phương châm: Đánh nhanh thắng nhanh.

+ Mục tiêu: Đỡ thiệt hại cho dân và giữ gìn tốt các cơ sở văn hóa, kinh tế..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

- Diễn biến: Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975

+ Chiến dịch Tây Nguyên (4 - 3 đến 24 - 3 - 1975)

  • Nguyên nhân: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng nhưng lực lượng địch ở đây mỏng, bố phòng sơ hở.

  • Diễn biến: đánh nghi binh ở Plâycu - Kontum, trận then chốt ở Buôn Ma Thuột.

  • Kết quả: Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng sau 20 ngày.

  • Ý nghĩa: Chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước từ tiến công chiến lược sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

+ Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21 - 3 đến 29 - 3 - 1975)

  • Quân Giải phóng tiến công, giải phóng thành phố Huế, toàn tỉnh Thừa Thiên và Đà Nẵng.

  • Ý nghĩa: mở ra khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

+ Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 4 đến 30 - 4 - 1975)

  • Trước khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn, quân ta tiến công Xuân Lộc và Phan Rang - những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông:

  • 11h 30’ ngày 30 - 4 - 1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

III - NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1975).

1. Nguyên nhân thắng lợi

* Chủ quan:

- Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn và sáng tạo

- Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết.

- Vai trò của hậu phương miền Bắc.

* Khách quan:

- Sự đoàn kết của 3 nước Đông Dương.

- Sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa khác.

2. Ý nghĩa lịch sử

* Với Việt Nam

- Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc từ sau cách mạng tháng Tám.

- Chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - đế quốc ở nước ta.

- Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước và thống nhất đất nước.

- Mở ra kỉ nguyên mới : Kỉ nguyên độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

* Với thế giới

- Tác động mạnh đến tình hình nước Mỹ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

→ Thắng lợi đó mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn có tính thời đại sâu sắc.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Đọc tiếp:
Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube